Sau một thời gian tạm trú tại Mỹ, Bong Joon-ho quay về Hàn Quốc để làm bộ phim tiếp theo. Và dự án ông cho ra lò Parasite, không phải bàn cãi, là môt kiệt tác hiếm phim nào sánh bằng. Vậy, làm thế nào mà bộ phim phê bình sự phân tầng giai cấp xã hội ấn tượng này chinh phục được khán giả toàn cầu?
Năm 2019 là một năm đầy bão tố đối với Bong Joon-ho và ông chính là tâm bão. Bộ phim Parasite của Bong đã đưa tên tuổi ông lên vị thế mà từ trước đến nay không vị đạo diễn Hàn Quốc nào có thể vươn đến. Sự đổi thay này bắt đầu bằng việc Parasite đạt giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes vào tháng 5/2019. Sự kiện này đã làm bệ phóng đưa danh tiếng bộ phim tiến xa hơn nữa và đến nay vẫn chưa có dấu hiêu dừng lại: muôn vàn lời khen ngợi có cánh từ các nhà phê bình, thành công rực rỡ nơi phòng vé, các chương trình Talkshow và tổng hợp 170 giải thưởng lớn nhỏ tính đến thời điểm hiện tại.
Không chỉ đại thắng trên mặt trận “phim nước ngòai”, Parasite còn là bộ phim ngoại quốc đầu tiên đạt giải SAG do Nghiệp đoàn Diễn viên Màn ảnh (Mỹ) trao tặng. Phim còn được đề cử 6 giải Oscar ở các hạng mục, bao gồm cả Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất. Trước đó, Bong chỉ được những đối tượng thạo giới làm phim biết đến, ví như Donald Glover, Edgar Wright, Guillermo del Toro hay Quentin Tarantino. Ngày nay, Bong đã thu hút cho mình cả một cộng đồng hâm mộ chia sẻ tin tức, meme và tình yêu dành cho những bộ phim của ông – #BongHive. Bong là đạo diễn đươc nhiều người “truy lùng” nhất năm nay chỉ để có một tấm selfie với ông đăng Twitter. Ngay cả phiên dịch viên của ông, cô Sharon Choi, cũng trở nên nổi tiếng theo.
Bất chấp những giải thưởng từ Parasite, Bong vẫn giữ cho mình một não trạng thực tế. Ông đã chặn đứng tràng vỗ tay đứng dài 8 phút của mình tại Cannes vì ông cảm thấy đói bụng. Tương tự, ông mô tả việc được đề cử Oscar không phải là chuyện lớn gì to tát cho cam.
“Oscar không phải là một LHP quốc tế. Oscar chỉ là một giải thưởng nội địa”, Bong Joon Ho thẳng thắn nhận xét.
Đối với Bong, Oscar chỉ là giải thưởng mang tầm vóc nội địa. Ảnh: The Playlist.
Khi người viết (Steve Rose – 81 tuổi) gặp Bong vào một buổi sáng mưa đông lạnh buốt tại London, vị đạo diễn 50 tuổi trông khá mệt mỏi. Mái tóc xoăn đặc trưng của ông trông gọn gàng, nhưng ông quấn mình trong một chiếc khăn choàng cổ dày và hay ho khan. “Phần khó nhất là vượt qua sự chênh lệch múi giờ sau 2, 3 chuyến bay liên tục” – Choi dịch lại lời ông. Bong hiểu và có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, nhưng ông vẫn thích sử dụng tiếng Hàn và đặt lòng tin ở Choi trong việc truyền đạt những ẩn ý. “Về mặt thể chất, tôi từng cảm thấy tồi tệ lắm, nhưng giờ cũng thấy ổn rồi”.
Đối với nền điện ảnh quốc tế, Bong không phải là một tay mơ. Ông đã có 2 bộ phim khoa học viễn tưởng sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính là Okja (2017) và Snowpiercer (2013) với sự tham gia của những ngôi sao như Chris Evans, Tilda Swinton, Jake Gyllenhaal và Ed Harris. Bong thích những diễn viên người Anh và Ireland. Ông chia sẻ mình đã xem tác phẩm kinh điển Psycho của đạo diễn Hitchcock ít nhất 50 lần. Ông cũng đã dấn thân vào Hollywood đủ lâu để chạm mặt Harvey Weistein.
Trớ trêu làm sao, chỉ khi quay về với cội nguồn quê hương
của mình, Bong mới gặt hái được thành công rực rỡ. “Tôi nảy ra ý tưởng làm Parasite
khi đang thực hiện Snowpiercer”, ông nói. “Không phải tôi được tạo cảm hứng
để quay về với gốc gác Hàn Quốc của mình đâu, dù tôi thực sự muốn làm một bộ
phim với các chi tiết đậm chất Hàn”. Parasite chứa đựng rất nhiều chi tiết
như vậy, từ cách phim mô tả cơn sốt mở một tiệm bành ngọt kiểu Đài Loan cho đến
việc sáng tạo một món mì ăn liền có trộn thịt bít-tết. Việc đáng nói là Parasite
là một bộ phim đậm tính địa phương chinh phục được khán giả toàn cầu.
Parasite là câu chuyện đầy rẫy những ngạc nhiên và làm rõ nét sự đối lập giai cấp xã hội thông qua 2 gia đình: Gia đình Kim sống tạm bợ trong một ngôi nhà được cải tạo từ một hầm tránh bom thời chiến, chui rúc trong một con hẻm được gọi là “toa lét công cộng”. Trong khi đó, nhà Park lại sống trong một dinh thư tối giản tọa lạc trên đỉnh đồi ở Seoul. Mọi chuyện thay đổi khi con trai Kim Ki-woo trở thành gia sư tiếng Anh cho con gái tuổi teen của nhà Park. Như bắt được vàng, nhà Kim nuôi hi vọng trở thành người làm cho nhà Park và giả vờ không quen biết nhau. Tuy nhiên, kế hoạch không được suôn sẻ như họ tưởng.
Parasite không hề thiên vị tầng lớp nào, bộ phim là một sản phẩm trung tính. Ảnh: Hancinema.
“Hàn Quốc, trên bề mặt thì trông rất hào nhóang và giàu có, với K-pop, đường truyền Internet tốc độ cao và công nghệ cao. Nhưng khoảng cách giàu nghèo của đất nước này đang ngày càng dãn rộng. Thế hệ trẻ thì ngày càng trở nên tuyệt vọng”. Tương tự như London, nơi vẫn có những người phải sống trong những căn lều ngay trên những góc đường trung tâm thành phố, Seoul vẫn có những người vô gia cư đêm đêm lấy nhà ga Seoul làm chỗ ngủ. “Những con người ấy đang sống trong điểm mù của xã hội”, Bong nói.
Parasite không chỉ đơn thuần là câu chuyện giàu vs nghèo. Không ai hoàn toàn có tội hay trong sạch cả. Bong mô tả phim của ông là “trung tập”. Ông chỉ ra rằng ông Park, chủ gia đình Park – giống như Mark Zuckerberg vậy. Cả hai đều tạo ra của cải nhờ vào làm ăn chân chính và nỗ lực của bản thân. “Ông ấy không hẳn là tham lam, ông ấy không giàu lên nhờ vào làm ăn bất chính”. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhà Park liên tục thể hiện thái độ khinh thường tầng lớp công nhân, thậm chí còn than phiền về cách họ có mùi khác biệt.
Nhưng nhà Kim cũng là gia đình chiu thương chịu khó, bất chấp những công việc không được trong sạch, và trái ngược với văn hóa gia đình đề cao cá nhân của nhà Park, nhà Kim rất đoàn kết. Bong nói đó là điều mà ông muốn bàn đến qua bộ phim này. “Không phải nhà Park lười biếng hay khiếm khuyết gì. Họ chỉ đơn giản là không kiếm được việc làm”. Ông đồng thời nhấn mạnh đến chi tiết một buổi trò chuyện trong phim chỉ ra có hơn 500 sinh viên tốt nghiệp đại học tranh nhau một vị trí bảo vệ. “Đó không phải là điều phóng đại, tôi đã đọc được một bài báo có thật về vấn đề này”.
Parasite bắt đầu với sự kiện cậu con trai cả của gia đình Kim được nhận làm gia sư của một gia đình giàu có. Ảnh: Korea Times.
Trên nền tảng ấy, Parasite có thể được coi là một lời
chỉ trích gay gắt về hệ thống giai cấp xã hội hơn là mục đích đứng trung lập
ban đầu mà phim dự định. Liệu sự lạm dụng là kết cục tất yếu? Hay liệu có
phương thức nào tốt hơn? “Mọi người phải giữ vững sự tôn trọng lẫn nhau”, Bong
nhận định, “Và bộ phim này nói về tình huống mà sự tôn trọng tối thiểu giữa người
với người với nhau hoàn toàn bị phớt lờ và phá hủy”.
Ngay cả Bong cũng vừa phấn khởi vừa bối rối trước cách người
xem tiếp nhận Parasite như bao người. “Nhiều người cho rằng phim là câu
chuyện toàn cầu vì nó nói về khoảng cách giàu nghèo, nhưng tôi không nghĩ đó là
điều duy nhất”, ông nhận định, “Tôi nghĩ bộ phim thành công còn nhờ vào cách nó
được xây dựng trau chuốt về tính điện ảnh. Tôi rất muốn được ngồi chiêm nghiệm nét
điện ảnh thu hút ấy là gì”.
Parasite không chỉ là một câu
chuyện tuyệt vời, nó còn là câu chuyện tuyệt vời được kể một cách thăng hoa. Những
mảnh ghép gắn kết với nhau thật hoàn hảo: diễn xuất, kết cấu câu chuyện, chi tiết
được thiết kế kỹ lưỡng, biểu tượng và ý nghĩa. Cách kể chuyện bằng hình ảnh được
làm một cách trơn tru đến mức không cần đến phụ đề và những cảnh quay chậm đầy
tính nghệ của Bong được thêm thắt hợp lý. Nhưng ngón nghề làm lực lượng hâm mộ
#BongHive của ông chết mê chết mệt là cách Bong chuyển tông và thể loại mà
trong nền điện ảnh phương Tây luôn để cách biệt chỉ trong một cảnh quay. Parasite
thách thức ranh giới phân loại trong điện ảnh. Bộ phim vừa là một phim
chính kịch, hài đen, phim kịch tính, phim châm biếm, vừa có thể là một phim
kinh dị lấy chủ đề gia đình. Bộ phim rõ ràng phần nào lấy cảm hứng từ phong
cách của Hitchcock, như bao bộ phim khác, nhưng Bong cũng sáng tạo một thể loại
cho riêng mình.
Phân cách xã hội là chủ đề thường thấy ở hầu hết phim của Bong, bất chấp mong muốn đứng trung lập của ông. Bong thường yêu thích những nhân vật chiếu dưới, ví như The Host năm 2006. Phim tập trung vào một gia đình nghèo nhưng giàu tình yêu thương hành nghề bán đồ ăn tại bãi biển phải đối mặt với con quái vật sinh ra từ việc sông Hàn bị quân đội Mỹ làm ô nhiễm. Một ví dụ khác nữa là Okja năm 2017 kể về một cô gái miền quê đối đầu với một tập đoàn lớn để cứu lấy sinh vật đột biến đáng yêu; Snowpiercer, được xây dựng từ graphic novel của Pháp, mô tả cuộc nổi loạn chống phân hóa giai cấp trên con tàu chứa toàn bộ cư dân sống sót hậu tận thế của Trái Đất. Đây được coi là phiên bản đối chiếu của Parasite. Trong phim, nhân vật của Chris Evan dẫn dắt tầng lớp nghèo cùng cực ở khoang cùng của con tàu tấn công những hành khách thượng lưu sống sung sướng ở những khoang trước.
Phim của Bong Joon Ho là những bộ phim của sự xung đột tầng lớp. Ảnh: Han Cinema.
Chính Snowpiercer đã dẫn dắt Bong đến cuộc gặp gỡ với Harvey Weistein. Ông trùm ô danh của làng phim ảnh đã mua lại quyền phân phối bộ phim vào năm 2012. Bong đã biết trước biệt danh Harvey Tay kéo của Weinstein và không ngạc nhiên gì khi dự định cắt 25 phút của phim nhanh chóng được Weinstein đưa ra. Bong đã phản đối đến cùng quyết định này. Vào một thời điểm nhất định, để giữ lại phân cảnh mổ bụng cá trong Snowpiercer, Bong đã nói dối cảnh ấy có ý nghĩa sâu sắc đối với ông do cha của vị đạo diễn là một người làm nghề chài lưới.
Sau một buổi chiếu thử, việc phiên bản cắt xén của Weinstein nhận được phản hồi tiêu cực đã thuyết phục ông trùm phát hành bản gốc của Bong, dù nó chưa từng được phát hành ở Liên Hiệp Anh. Bong không có mối quan hệ cá nhân nào với ông trùm ô danh. Hoặc nếu có, Bong cũng không muốn đào sâu vấn đề này. “Vì ông ta thuộc một tầng lớp khác và thường xuyên bận rộn, nên tôi không được gặp ông ta lắm. Tôi chỉ gặp ông ta vài lần ở phòng hiệu chỉnh hay văn phòng của ông ta”.
Trên thực tế, cha của Bong là một giáo viên nghệ thuật.
Bong nhận định gia đình mình ở tầng lớp trung lưu trong xã hội. “Tôi lớn lên
trong một gia đình trung lưu. Ngay cả về nhà ở, ngôi nhà tôi lớn lên thuộc vị
trí ở giữa – tức lai giữa ngôi nhà của nhà Kim và nhà Park trong phim. Tôi khá
gần gũi với bạn bè và họ hàng đế từ 2 tấng lớp”. Parasite lấy cảm hứng từ
chính trải nghiệm của ông khi còn là gia sự cho một cậu bé xuất thân giàu có
hơn qua lời giới thiệu của cô bạn gái bấy giờ của ông, người cũng đã kèm cặp cậu
bé trong môn tiếng Anh.
Dĩ nhiên, sau thành công của Parasite, hẳn Bong cũng đã trở nên giàu có phần nào? “Tôi không giàu đến thế”, ông cười, nói “Tôi sống trong một căn hộ ở tầng 9. Về kích cỡ, nó bằng ¼ căn nhà của nhà Park trong phim ấy. Dĩ nhiên, những bộ phim của tôi đem về khá nhiều tiền, nhưng tôi không chắc có thể được gọi là giàu nếu anh (người viết) xét vị trí của tôi trong xã hội”.
Bong Joon Ho là một gương mặt cách tân của làng điện ảnh Hàn Quốc. Ảnh: Han Cinema.
Bong bắt đầu được biết đến vào những năm 2000 với tư cách là một trong những gương mặt của thế hệ đạo diễn cách tân trong làng điện ảnh Hàn Quốc, bên cạnh các cá nhân như Park Chan-wook (người sạu này nổi tiếng với chiến thắng tại Cannes nhờ tác phẩm Oldboy), Lee Chang-dong, Kim Jee-woon và Kim Ki-duk. Tương tự như Bong, các đạo diễn này đã thổi một làn gió mới vào nền phim ảnh xứ Kimchi. Những câu chuyện của họ vừa tăm tối vừa khủng khiếp, nhưng được kể với phong cách pha trộn giữa Hollywood và điện ảnh Á Đông tinh túy, cũng như đi kèm với sự trau chuốt về mặt kỹ thuật, và không hề ngần ngại trong việc biến hóa tông phim hay thể loại.
Bộ phim thứ 2 trong sự nghiệp của Bong Memories of Murder (2003) được làm dựa trên cuộc truy lùng hung thủ giết người có thật ở Hàn vào những năm 80, kẻ đến nay vẫn chưa sa lưới pháp luật. Memories of Murder đóng vai trò mở cánh cửa sổ cho người xem có cơ hội chứng kiến cuộc sống ngày nay ở Hàn đã đổi thay như thế nào so với Hàn Quốc trong tuổi thơ của vị đạo diễn 50 tuổi: thể chế cai trị độc tài, bất ổn dân sự, dịch vụ công gần như vô dụng.
Lo ngại người hàng xóm Bắc Triều, những trường học ở Hàn liên tục tổ chức các buổi tập huấn thoát hiểm khi bị tấn công bằng khí độc và cả thị trấn phải trải qua các buổi diễn tập sơ tán dài ròng rã qua các đêm nhằm chuẩn bị cho viễn cảnh chiến tranh xảy ra. Kỳ lạ thay, đến hôm nay, hung thủ thật sự của vụ án giết người năm nào mới lộ diện. “Một trong những bạn tù của hắn (hung thủ) nói hắn xem đi xem lại bộ phim nhiều lần, nhưng chúng tôi không biết điều đó thật hay giả”.
Ngay cả khi trong những giai đoạn nhuốm màu tuyệt vọng như
thế này, Bong vẫn tìm được những khoảng khắc hài hước trong sự bất lực của cảnh
sát bấy giờ. “Tôi không cố làm khán giả cười đâu; chúng chỉ đơn thuần chỉ ra sự
phi lý của Hàn Quốc vào những năm 80”, Bong nói, “Những tiếng cười ấy luôn có vị
đắng trong ấy”. Parasite cũng truyền tải điều tương tự, ông nhận định.
“Bộ phim làm rõ nét tính phi lý trong xã hội ngày nay. Sự ngu dốt của một thời
đại phân cực xã hội sâu sắc”.
Có lẽ đây là tâm lý chung của người Hàn chăng? Theo Bong: “Có một nỗi lo chung ở đây. Vì chiến tranh và sự ly tán các gia đình không phải là khái niệm trừu tượng đối với chúng tôi hay đối với dì tôi ở Triều Tiên. Những đơn bị gia đình cơ bản này đang bị tổn hại và Hàn Quốc dành hàng thập kỷ sống với hậu quả sự đỗ vỡ này mang lại. Nên xã hội Hàn luôn có một mối căng thẳng đặc biệt”.
Những bộ phim của Bong Joon Ho còn ý tứ đề cập đến những vấn đề của bộ máy nhà nước đương thời. Ảnh: NY Times.
Dù cho có phải đặc điểm của quốc gia này hay không, yếu tố buồn vui lẫn lộn vẫn luôn hiện hữu trong các dự án của Bong, không đứng riêng biệt mà thường song hành với nhau, từ chi tiết mì ăn liền trộn thịt bò bít tết cho đến sự hài hước trên mặt những kẻ giết người hàng loạt hay ẩn trong cuộc hủy diệt hạt nhân. Sự mâu thuẫn này còn hiện hữu trong cả quá trình quảng bá chiến thắng của Parasite: “Tôi nghĩ đó giống một nghề tay trái mà một đạo diễn luôn phải có”, ông nói, “Công việc chính của tôi khôn phải quảng bá phim, mà là viết kịch bản phim. Tôi vẫn làm việc đó, trong phòng khách sạn và giữ các chuyến bay, nhưng điều đó làm việc sáng tác khó khăn hơn. Nên quá trình này vẫn có 2 mặt của nó. Dĩ nhiên, chuyến đi thú vị và tuyệt lắm, những tôi chỉ mong mỏi được trở về với nghề đạo diễn càng sớm càng tốt”.
🎬Hướng dẫn đặt vé: http://bit.ly/31tXcjT
📲Link tải ứng dụng: http://bit.ly/Movie_TKBVN