Là một gương mặt thuộc làn sóng mới những nhà làm phim bậc thầy của nền điện ảnh Hàn, đối với Bong Joon Ho, điện ảnh không chỉ là nghệ thuật mà là tấm gương phản chiếu xã hội. Những bộ phim của Bong thể hiện tính cá nhân rất cao, chúng đầy tính ẩn dụ và đôi lúc khó hiểu với phần đông khán giả đại chúng.
Chiến thắng tại Oscar 2020, Bong Joon Ho từ một đạo diễn phim cult (dòng phim chỉ được biết đến trong vòng tròn khán giả khép kín) thành một hiện tượng toàn cầu. Ngạc nhiên thay, gia tài phim ảnh của ông khá khiêm tốn – vỏn vẹn 7 bộ phim, tính luôn cả Parasite (2019). Nếu đã lỡ mê mẩn sự châm biếm sâu cay kiểu hiện thực của Parasite, dưới đây là toàn bộ tuyển tập phim điện ảnh của đạo diễn Bong Joon Ho.
Barking Dogs Never Bite (2000)
Barking Dogs Never Bite là bộ phim đầu tay của Bong Joon Ho với cương vị là một đạo diễn phim điện ảnh. Ko Yun-ju (Lee Sung-jae), một học giả thất nghiệp, mong mỏi được làm giáo sư để thoát khỏi cảnh túng quẫn. Nhưng điều đó phụ thuộc vào khả năng lo lót khoản tiền 10 nghìn USD để hối lộ cho đàn anh cùng ngành. Đó là số tiền không tưởng đối với một kẻ thất nghiệp lại đang nuôi vợ đang mang thai. Tồi tệ hơn, bên cạnh việc phải mưu sinh để gom tiền, ngày ngày Yun-ji phải chịu đựng tiếng sủa như tra tấn của một con chó đâu đó trong dãy nhà trọ rộng lớn. Một ngày, khi không còn chịu đựng được nữa, Yun-ji quyết truy tìm và loại bỏ con chó phiền phức kia.
Barking Dogs Never Bite không hề là một bài học lên gân đạo đức. Ảnh: Han Cinema
Trái ngược với những anh hùng thanh cao khi gần bùn mà Hollywood thường khắc họa, những nhân vật chính trong phim chắc chắn sẽ không khêu gợi được chút đồng cảm nào từ khán giả. Vì họ đều là những kẻ khiếm khuyết, vật vờ trong xã hội, ví như Ko Jun-ji. Dù là dân trí thức, nhưng hành động của anh ta lại vô cùng côn đồ khi bắt cóc và sát hại những chú chó. Anh ta còn là kẻ hay mè nheo, than thở về cuộc sống nhưng lại không muốn hành động để thay đổi nó.
Nhưng qua hình ảnh của Yun-ji và mối tương tác giữa anh ta và những người hàng xóm, Barking Dogs Never Bite lại khiến nhiều người phải lặng người sau những màn đối đáp hài hước. Qua đó, bộ phim miêu tả cuộc sống khốn đốn của người nghèo và mặt tối của nền văn hóa thứ bậc của Hàn Quốc. Ở nơi mà Yun-ji sống, thanh cao không mài ra ăn được. Nhưng cũng chính trong dãy nhà ấy, tính nhân đạo, tình người vẫn le lói vượt ra khỏi lớp bùn đen giai cấp.
Phim vẫn còn sở hữu nhịp điệu không mạch lạc. Ảnh: Han Cinema.
Thế nhưng, thông điệp của phim phần nào không được rõ ràng cho lắm. Barking Dogs Never Bite gặp vấn đề trong nhịp phim không mạch lạc. Đồng thời, sự phát triển nhân vật vẫn còn thô vì tuyến truyện của họ khá nông. Bù lại, kỹ thuật quay phim, màu sắc và dàn cảnh lại rất chỉnh chu.
Memories of Murder (2003)
Lấy cảm hứng từ một kỳ án có thật của Hàn vào thập niên 80, bộ phim khắc họa quá trình điều tra danh tính của tên tội phạm cưỡng hiếp và giết người hàng loạt đã gây nên cái chết của 10 nạn nhân trong một ngôi làng nhỏ vùng quê. Ở thời mà cảnh nghiệp còn sơ sài và cẩu thả, phương pháp điều tra thiếu sót và pháp y hầu như không tồn tại, 2 viên cảnh sát Park Doo-man (Song Kang-ho) và Seo Tae-yoon (Kim Sang-kyung) phải chật vật đi tìm manh mối. Thế nhưng, hung thủ chưa sa lưới, mọi sự hủ bại và bất lực của các cơ quan pháp quyền lại trồi lên.
Vấn đề của luật pháp, công lý đều được khắc họa rõ ràng trong bộ phim. Ảnh: Han Cinema.
So với Barking Dogs Never Bite, bộ phim trinh thám là bước ngoặt lớn đối với đạo diễn Bong, đưa ông vào hàng ngũ đạo diễn bậc thầy cùng với Park Chan-wook (Oldboy) và Lee Chang-dong (Burning). Kịch bản của phim sở hữu bề dày lớp lang và chồng chéo nhiều bí ẩn, cũng như lồng ghép yếu tố hình sự, trinh thám và nét hài trào phúng điển hình của Bong. Điều đáng chú ý là song song với quá trình điều tra, Memories of Murder cũng báo trước kết cục bế tắc của vụ án qua những tình tiết nhỏ mà có trọng lượng nhất định, như hành động ngụy tạo chứng cứ của Doo-man hay sự cẩu thả của những viên cảnh sát có mặt tại hiện trường. Vì thế, cuộc điều tra của cả hai không khác gì một vòng tròn vô vọng lẩn quẩn suốt thời lượng phim.
Tuy vậy, phim vẫn thành công trong việc giữ chân khán giả nhờ sở hữu dàn nhân vật đa chiều với nhiều gam màu sáng tối lẫn lộn. Sự tài tình của Memories of Murder là cách phim mô tả những phần tối của con người khi họ va vấp những nghịch cảnh. So với bộ phim đầu tay, sự phát triển các nhân vật trong Memories of Murder có trọng lượng và chiều sâu hơn hẳn. Chẳng hạn, Bong Jong Ho đã sắp xếp và biên tập bộ phim theo sự phát triển nội tâm của bộ đôi cảnh sát hơn là chia hồi chương như Parasite.
Bộ phim sở hữu cái kết vô hậu và không mấy tươi sáng. Ảnh: Han Cinema
Dù là phim trinh thám, càng về sau, Memories of Murder biến hóa thành một tòa án lương tâm mở rộng dày vò những chủ thể liên quan. Việc 2 viên thanh tra tập trung truy lùng thủ phạm hé mở nhiều tâm tư và quá khứ của bản thân, để rồi sau đó đối diện với nhiều vấn đề làm họ cắn rứt và trăn trở. Câu chuyện quá khứ cũng làm nổi bật sự vô vọng của cả hai trong nghề cảnh sát, nơi họ không còn có thể tìm thấy ngọn lửa nhiệt huyết ngày nào. Đối với Bong, Doo-man và Tae-yoon là hai cá nhân thay ông đả kích thẳng thừng sự bất tài và trì trệ của cơ quan chính phủ liên quan. Rõ ràng, hung thủ không hề thông minh hơn, chỉ là cảnh sát đã thể hiện sự bất lực trong vụ án này.
The Host (2006)
Thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, The Host mô tả hành trình giải cứu con gái của gia đình nhà Park, cô bé bị một con quái vật đột biến sống bên dưới sông Hàn bắt cóc.
Quái Vật Sông Hàn từng được trình chiếu tại các rạp Việt Nam năm 2004. Ảnh: IMDb.
Như bao bộ phim viễn tưởng khác, The Host chứa đựng những yếu tố thường thấy của thể loại này: khoa học, hành động, kỹ xảo và kẻ phản diện thực sự luôn là chính phủ của nước sở tại. Nhìn đi, nhìn lại, bộ phim lôi cuốn khán giả theo cách thường thấy nhất ở một bộ phim viễn tưởng – cuộc đối đầu một mất một còn giữa người và quái vật.
Tuy nhiên, The Host không chỉ mang bầu không khí của phim viễn tưởng, mà lại là bộ phim nơi mùi chính trị luôn tồn tại ẩn sau những yếu tố khác. Điển hình là chi tiết mô tả quái vật sông Hàn là sinh vật sinh ra từ yếu tố gây đột biến mà quân đội Mỹ đổ xuống sông Hàn như môt cách để tẩu tán và sự vâng lời khó hiểu của trợ lý người Hàn Quốc trong quá trình này.
Mother (2009)
Tạm xa rời yếu tố chính trị, Bong Joon Ho lột tả mức độ đáng sợ của tình mẫu tử mù quáng khi đứa con của một người mẹ bị buộc tội giết người.
Trong phim, người mẹ không có tên. Bà chỉ đơn giản được gọi là Mẹ (Mother) do Kim Hye-ja thủ vai. Mẹ hành nghề bán thảo dược và châm cứu không giấy phép tại một vùng quê bình dị và chăm lo cho Do-jun, đứa con khiếm khuyết trí tuệ nhưng bạo lực. Khi Do -jun bị buộc tội giết người, Mother tự mình điều tra vụ án nhằm giải oan cho con trai. Nhưng kết cục không hề tuân theo mong ước của bà.
Tình mẫu tử mù quáng và độc hại có thể dẫn đến những kết cục đau buồn. Ảnh: IMDb.
Với Mother, Bong dàn xếp bộ phim như một câu đố tinh vi với nhiều khúc cua hiểm hóc và đặt quá trình truy tìm manh mối qua góc nhìn của Mother. Mọi thứ chúng ta biết đều thông qua Mother, nên khán giả ngay từ đầu đã bị rơi vào điểm mù của bộ phim, nơi mà những cú twist bất ngờ nhất thường diễn ra. Ly kỳ, hồi hộp và nao lòng, vẫn được Bong pha trộn sự hài hước thường thấy, nhưng Mother lại là một bức tranh đầy gam màu tối tăm và xám xịt. Bộ phim là minh chứng cho thấy điểm dừng duy nhất của tình mẫu tử mù quáng độc hại kia chỉ có thể là cái chết của người mẹ.
Snowpiercer (2013)
Đến bộ phim điện ảnh thứ 5 trong sự nghiệp, dấu ấn Bong Joon Ho hiện lên ngày một rõ nét. Lần này, Bong đặt vấn đề xã hội vào một không gian nhỏ hẹp hơn: con tàu Snowpiercer.
Thuộc thể loại dystopian, Snowpiercer khắc họa một trái đất chìm trong kỷ băng hà nhờ những nỗ lực thất bại trong việc ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu. Những người sống sót phải cư trú trên con tàu cùng tên để tiếp tục tồn tại. Trải qua vài thập kỷ, những hành khách vĩnh cửu của con tàu thể hiện sự phân biệt giai cấp rõ nét khi những kẻ giàu thì sống trong những khoang hạng sang và người nghèo thì bị dồn xuống những toa cuối với điều kiện y tế và lương thực tồi tàn. Không chịu được sự bất công, Curtis (Chris Evan) lãnh đạo cuộc nổi dậy nhằm giành lại quyền lợi của những hành khách toa cuối.
Snowpiercer là cuộc đấu tranh giai cấp bên trong một đoàn tàu. Ảnh: IMDb.
Với Snowpiercer, đạo diễn Bong không sử dụng nhiều các chi tiết ẩn dụ như các bộ phim trước. Ông cũng không chỉnh sửa nguyên tác gốc hay Hàn Quốc hóa kịch bản. So với các phim tiền thân, Snowpiercer mang tính rất Tây, nhưng thông điệp của phim được ông truyền tải vượt qua ranh giới quốc gia hay dân tộc.
Được chuyển thể từ graphic novel của Pháp, Snowpiercer mang trong mình chất giả tưởng và chủ nghĩa anh hùng. Nhưng, sâu bên dưới những pha hành động và kỹ xảo trau chuốt là nỗi bi kịch của những kẻ vô sản. Các khung hình của phim dù đẹp đến đâu cũng không giấu nỗi sự xấu xí trường tồn của xã hội loài người. Mặc cho nền văn minh bị phá hủy từ lâu, chúng ta đều tồn tại dục vọng đàn áp lẫn nhau như một bản năng và gọi đó là trật tự xã hội, thay vì đoàn kết trước nghịch cảnh khắc nghiệt bên ngoài con tàu. Thêm vào đó là bản tính ngạo mạn chơi trò chúa trời của những kẻ quyền thế, thẳng tay quyết định ai đáng được sống và ai nên bị loại trừ. Cái kết đẫm tình người cuối phim vừa cảm động nhưng cũng đánh vào vị thế của con người trong cuộc sống – vô cùng nhỏ bé và yếu ớt.
Okja (2017)
Ở một trang trại chăn nuôi nọ, cô bé Mija (An Seo-hyun) có một tuổi thơ bình dị và cuộc sống êm ấm bên cạnh Okja, chú lợn thuộc giống siêu lợn mới đươc nhân giống chừng 10 năm trước nhằm tạo bước tiến kỳ quan cho ngành công nghiệp thực phẩm. Nhưng cả hai nhanh chóng rơi vào xoáy của nền công nghiệp ngay khi CEO của tập đoàn Mirando Lucy Mirando (Tilda Swinton) đến lấy lại Okja để tiến đến bước tiếp theo của kế hoạch: nhân giống và giết mổ.
Câu chuyện dễ thương ẩn chứa tầng lớp ý nghĩa không mấy tươi sáng. Ảnh: IMDb.
Trong số tuyển tập phim điện ảnh của Bong Joon Ho, nếu Snowpiercer vẫn còn chút gì đó siêu thực, Mother có vẻ cực đoan, Memories of Murder thì mang tính thời đại, Parasite quá đỗi chân thực, thì bản chất của Okja là tranh cãi. Nhìn bề ngoài, Okja là câu chuyện Disney điển hình giữa một cô gái lương thiện và nhân hậu đi giải cứu người bạn thân là một loài động vật dễ thương, hiền hòa. Trên bề mặt, Okja phân định hai bên chính tà rõ rệt và dĩ nhiên người xem sẽ cổ vũ cho cô bé anh hùng Mija. Nhưng khi xem xét đến từng đường tơ kẽ tóc của phim, phạm trù đúng sai đã không còn rõ ràng ở Okja.
Cuộc hành trình của Mija vô cùng lôi cuốn. Đây là điều không thể phủ nhận. Kịch bản của phim vô cùng tỉ mỉ với những câu chuyện xếp chồng lên nhau. Bối cảnh của phim, như mọi khi, với con mắt nghệ thuật của đạo diễn Bong, không thể tuyệt vời hơn. Dàn nhân vật với diễn xuất cộm cán đều để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem. Nhưng bên cạnh những yếu tố xuất sắc ấy, có một cảm giác khác lạ mà Okja mang lại. Đó là một cảm giác chưa có dịp xuất hiện ở các dự án trước. Okja có sự hiện diện của sự đạo đức giả, một sự đạo đức giả được che giấu bởi bộ mặt ngây ngô.
Chúng ta đều bị nô dịch bởi tiến trình công nghiệp hóa. Ảnh: IMDb.
Các thể lực đối đầu nhau ở Okja không chỉ là người thường và chủ nghĩa công nghiệp hóa, mà còn có sự cấp tiến và logic lạnh lùng của khoa học và tính nhân hậu chủ quan của con người. Điều này chính là yếu tố khiến phạm trù đúng sai không thể hiện diện ở phim. Một mặt, Mija muốn cứu Okja khỏi lò mổ, nhưng đó là mục đích cuối cùng mà nó được sinh ra: làm thức ăn cho con người. Rõ là trong phim, Mija vẫn bình thản ăn thịt cá mỗi bữa mà không có bất kỳ cảm xúc tội lỗi gì. Tổ chức quyền động vật ALF cũng rơi vào trường hợp của Mija. Điều này cũng có nghĩa là Tập đoàn Mirando cũng không phải là kẻ phản diện ghê gớm gì. Nó đơn thuần là một tập đoàn được xây dựng để cung cấp thức ăn cho con người. Như vậy, cuộc chiến nào là ý nghĩa đây? Giá như câu trả lời đơn giản như tình bạn ngây thơ giữa Mija và Okja.
Kí Sinh Trùng (2019)
Cái tên Parasite có lẽ là bộ phim nổi tiếng nhất của quái kiệt Bong Joon Ho. Chỉ mới đây thôi, câu chuyện về cuộc vật lộn của giai cấp ở đáy xã hội trong nền kinh tế cạnh tranh tàn khốc của Hàn đã tạo nên một dấu ấn lịch sử trong nền điện ảnh – trở thành bộ phim Hàn đầu tiên chiến thắng hạng mục Phim hay nhất của Oscar 2020. Ở Parasite, tài năng nghệ thuật, ngón nghề đạo diễn, tính cảm thụ, và cái nhìn xã hội của Bong đã hòa làm một và được đưa lên một tầm cao mới.
Parasite, tác phẩm đạt 4 giải thưởng cao quý của Viện Hàn Lâm. Ảnh: Han Cinema.
Dường như có một chiều hướng trong tuyển
tập phim điện ảnh của Bong. Những bộ phim càng về sau càng tăm tối hơn. Có đủ
cung bậc cảm xúc, đủ mùi vị đắng cay, Parasite đặc biệt u ám, gai góc và
ớn lạnh. Thật khó để gạt đi những hình ảnh của nhà Kim và nhà Park mà không khỏi
tự hỏi mình đang ở đầu nào của xã hội. Parasite là câu chuyện rất Hàn Quốc,
nhưng đồng thời cũng sặc thứ mùi của thời hiện đại: khoảng cách giàu nghèo
trong thời buổi kinh tế cạnh tranh. Mặt khác, Parasite đánh dấu tài nghệ
thuật thượng thừa của Bong trong việc dàn xếp bối cảnh, chọn tông màu, và hơn hết
là những pha tung hứng thể loại điệu nghệ.
Vừa có chiều sâu, ám ảnh, vừa tập hợp những nét chấm phá nghệ thuật của điện ảnh, Parasite có thể là bộ phim định hình cả một thế hệ sau đó.
Parasite là bộ phim thứ 7 của Bong Joon Ho. Ảnh: Han Cinema.
Sinh ra và lớn lên vào thời kỳ đầy biến động của nước Hàn, Bong Joon Ho hình thành cho mình một cái nhìn đầy sắc bén, cắt qua từng lớp hào quang của Tổ quốc, để nhìn vào hiện thực quá mức tàn khốc của quê hương và giờ đây là cả con người nói chung. Vận dụng nghệ thuật kể chuyện bằng phim ảnh ở mức thượng thừa, Bong cũng không ngần ngại phơi bày chúng trước ánh sáng. Và chúng sẽ được kể theo cách mà người xem không thể quên được. Đừng mong mỏi bất cứ sự nói giảm nói tránh nào từ tác phẩm của quái kiệt này. Đến với thế giới của Bong Joon Ho, người xem hãy từ bỏ bản tính tự huyễn hoặc của mình. Bạn đã được cảnh báo rồi đấy.
🎬Hướng dẫn đặt vé: http://bit.ly/31tXcjT
📲Link tải ứng dụng: http://bit.ly/Movie_TKBVN