Điện ảnh Việt Nam từng sở hữu những bộ phim có đề tài xã hội đầy gai góc, đạt được nhiều giải cao tại các Liên Hoan Phim lớn trên thế giới.
Nền điện ảnh Việt Nam đã thoát khỏi lối mòn của những bộ phim nhà nước, phim chiến tranh. Nhờ tư duy thẩm mỹ và đề tài hiện thực, nhiều nhà làm phim Việt Nam đã thành công trên phim trường quốc tế. Dưới đây là những bộ phim về hiện thực Việt Nam gây sửng sốt khi bước ra thế giới.
Đặc biệt, Ròm, bộ phim mới nhất có đề tài tương tự của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy sắp ra rạp vào cuối tháng 7 năm nay.
Xích Lô
Xích Lô kể về một anh đạp xích lô nghèo khổ ở Sài Gòn. Là người thuộc tầng lớp dân đen dưới đáy xã hội, một ngày anh xích lô mất phương tiện kiếm sống nên đi đầu quân cho băng xã hội đen do một bà trùm cầm đầu.
Anh ta được giao đi theo một đàn anh khét tiếng (do Lương Triều Vỹ thủ vai), thực hiện những phi vụ phi pháp như phá hoại các kho gạo hay buôn thuốc phiện vào thành phố. Số phận đẩy đưa, chàng xích lô trẻ tuổi trải qua giai đoạn cùng quẫn và đen tối nhất của cuộc đời.
Điều bất ngờ với khán giả lần đầu xem Xích Lô là tính bạo lực trần trụi và khắc nghiệt tưởng như không thể xảy ra ngoài đời thực Sài Gòn. Nhưng mượn câu chuyện hư cấu bạo lực máu me nhiều chất 18+, Trần Anh Hùng lột tả một hiện thực xã hội lấy người dân lao động ở Sài Gòn làm trung tâm. Đó là không gian xã hội hậu chiến nhầy nhụa mồ hôi, nước mắt và cả máu.
Với góc nhìn lột tả bản chất hiện thực bằng phương pháp kể chuyện đặc sắc, Xích Lô được trao giải thưởng cao nhất LHP Venice 1995 – Giải Sư tử vàng. Tác phẩm lừng danh này sau đó đã bị cấm chiếu ở Việt Nam. Một điều độc đáo khác của Xích Lô là đạo diễn Trần Anh Hùng sử dụng diễn viên hoàn toàn nghiệp dư vào vai chính. Chàng xích lô trong phim là anh Lê Văn Lộc, một người dân lao động miền Nam.
Cánh Đồng Bất Tận
Cánh Đồng Bất Tận là câu chuyện về cuộc sống lênh đênh sông nước “theo vịt chạy đồng” của ba cha con ông Tư ( Dustin Nguyễn) và hai đứa trẻ Điền (Thanh Hoà), Nương (Lan Ngọc) thiếu vắng tình thương của người mẹ (Tăng Thanh Hà) và cuộc đời của người phụ nữ Sương (Hải Yến).
Những mảnh đời không lành lặn trôi dạt nay đây mai đó theo con nước bị số phận run rủi gặp nhau, tưởng rằng đã có thể nương tựa lẫn nhau nhưng lại không thể ghép lại thành một gia đình trọn vẹn vì những mặc cảm cá nhân và trái ngang của số phận.
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã chuyển thể gần như trọn vẹn tác phẩm văn học lên bộ phim của anh. Và gần như kịch bản phim không thay đổi gì nhiều so với cấu trúc của truyện ngắn, chỉ thay đổi chút ít ở đoạn kết để không khí phim được nhẹ nhàng và cuộc đời các nhận vật được ấm áp hơn.
Những cuộc đời trôi dạt lênh đênh vô định không tương lai, Điền và Nương lớn lên trong sự căm giận đàn bà của ông Tư vì mối thù bị vợ phản bội. Sự cay nghiệt của cuộc đời đã khiến cho cả 3 nhân vật đều có những tính cách bất bình thường trong suy nghĩ, hành xử và lối sống.
Đập Cánh Giữa Không Trung
Đập Cánh Giữa Không Trung kể về Huyền, một phụ nữ có thai nhưng cô lại muốn phá bỏ nó. Bạn trai của cô là một gã đam mê cá cược gà chọi và khá thờ ơ với cô. Huyền nhận ra rằng chỉ có người bạn chuyển giới thân thiết mới có thể giúp đỡ cô trong hoàn cảnh này.
Buộc phải bán dâm, cô gặp một người đàn ông giàu có bị ám ảnh bởi thai nhi. Tình huống trở nên phức tạp hơn bởi vì người đàn ông này khiến Huyền hạnh phúc và gần như quên mất là có một đứa trẻ đang lớn lên từng ngày trong cô.
Tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp được giới thiệu tại Liên Hoan Phim Venice và Toronto. Đập Cánh Giữa Không Trung nhận được nhiều lượt đánh giá cao từ phía các nhà phê bình điện ảnh.
Theo trang Hollywood Reporter, Đập Cánh Giữa Không Trung sử dụng những khuôn hình kiểu cách có tính mỹ cảm cao để bắt hiện thực khắc nghiệt về cuộc sống trong thành phố. Phim của Điệp đưa ra một cái nhìn ngọt ngào, nhục cảm và nhạy cảm về tình dục và tuổi vị thành niên ở Việt Nam.
Mùa Len Trâu
Mùa Len Trâu là bộ phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Kịch bản phim được chuyển thể từ một truyện ngắn cùng tên trong Hương Rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam.
Bộ phim kể về cuộc sống của những người nông dân miền Nam đầu thế kỷ 20. Mỗi khi mùa mưa về, nước tràn ngập mọi nơi, có những người làm nghề “len trâu”, đưa trâu đi tìm cỏ để sống qua mùa lũ.
Mùa Len Trâu đã tham dự gần mười liên hoan phim khu vực và quốc tế và đã giành được những giải thưởng đáng kể. Chẳng hạn, tác phẩm của Nguyễn Võ Nghiêm Minh giành giải đặc biệt ở LHP Locarno (Thụy Sĩ), đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Chicago (Mỹ) và Grand Prix của LHP Amiens (Pháp).
Bi, Đừng Sợ!
Bi, Đừng Sợ là bộ phim đầu tay của đạo diễn Phan Đăng Di. Bộ phim từng đoạt rất nhiều giải thưởng điện ảnh lớn tại các LHP Quốc tế Stockholm (Thụy Điển, 2 giải), LHP Quốc tế Cannes (Pháp), Giải Special Mention của LHP Quốc tế Vancouver và giải phim hay nhất tại LHP châu Á – Hongkong.
Bi, Đừng Sợ kể về những trải nghiệm tuổi thơ của một cậu bé sáu tuổi tên Bi trong một gia đình trung lưu Hà Nội khi người ông nhiều năm đi biệt tích nay về nhà, sống nốt những ngày cuối đời trên giường bệnh. Từ đây, những rạn nứt và những góc tâm hồn ít biết của mỗi thành viên gia đình này dần hé mở – ông Bi, bố Bi, mẹ Bi và cô Bi.
Tác phẩm của đạo diễn Phan Đăng Di miêu tả một cách thẳng thắn những uẩn ức, vấn đề liên quan đến tình dục. Dàn diễn viên tham gia bộ phim gồm NSND Trần Tiến, Hà Phong, Hoa Thúy, Kiều Trinh… Bộ phim tạo nên sự hứng thú trong chính kịch bản, cảnh quay, đạo diễn lẫn diễn xuất của dàn diễn viên.
Chơi Vơi
Chơi Vơi xoay quanh Duyên, một người phụ nữ kết hôn với chàng trai kém mình 2 tuổi là Hải, được người mẹ nuông chiều từ nhỏ. Duyên rơi cảm những cảm thức, bản năng tình dục với Thổ, một gã sở khanh đẹp trai nhưng cũng phũ phàng. Đặc biệt hơn, mối quan hệ đồng tính nữ giữa Duyên và Cầm, một nữ nhà văn nhiều ẩn ức và cũng là bạn thân với cô.
Chơi Vơi có sự góp mặt của nhiều diễn viên nổi tiếng như NSND Như Quỳnh, diễn viên Đỗ Hải Yến, ca sĩ Duy Khoa, ca sĩ Linh Dung… Bộ phim từng ra mắt khán giả Việt với những dư luận trái chiều, cũng là một thành công khi thu hút những bình luận sôi nổi của khán giả.
Tác phẩm của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng được tờ New York Times đánh giá cao. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Liên hoan phim Global Lens 2010, bộ phim được giới thiệu và trình chiếu cho khán giả toàn thế giới.
“Chơi Vơi là sự thăm dò tinh tế và u sầu những cảm giác bất an về tình ái và sự thức nhận đầy hoang mang”, tờ New York Times viết.
Đảo Của Dân Ngụ Cư
Phước (Phạm Hồng Phước) là một gã lang thang. Cậu quyết định tạm dừng chuyến hành trình của mình tại một nhà hàng chuyên bán lẩu dê tên là Đêm trắng. Từ lúc nhận được cái nhìn soi mói của Xiếm Hoa (Ngọc Hiệp) và bước vào bên trong cánh cổng luôn đóng kín vào ban ngày của Đêm trắng, cậu không ngờ cuộc đời mình sẽ thay đổi mãi mãi.
Ông chủ của Đêm trắng (Hoàng Phúc) là một người ít nói, độc tài và trông khá đáng sợ. Ông có một cô con gái tên Chu (Ngọc Thanh Tâm). Vì bị liệt ở chân nên Chu chính là nỗi ô nhục mà ông chủ luôn giấu kín trên căn gác mà không ai được bén mảng đến. Cũng tại nhà hàng này, Phước kết bạn với Miên (Nhan Phúc Vinh), gã thanh niên người Khmer hoang dã và phóng khoáng, người sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn trong cuộc đời cậu.
Trong đám người làm còn có ông Ahmed (Hoàng Nhân), một người theo đạo Hồi luôn lặng lẽ như dòng thời gian lúc nào cũng ì ạch trong căn nhà cổ. Cuộc đời của Phước và tất cả những con người tại nơi đó bắt đầu dịch chuyển từ lúc cậu xuất hiện, chầm chậm, âm ỉ nhưng cũng đầy cảm giác nhục dục và đê mê.
Đảo Của Dân Ngụ Cư ra mắt vào ngày 24 tháng 5 năm 2017 tại sự kiện Tuần lễ phim Việt Nam tại Madrid, Tây Ban Nha. Phim đã nhận được tám đề cử tại Liên hoan phim quốc tế ASEAN 2017,và giành chiến thắng tại ba hạng mục: Phim hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Đạo diễn hình ảnh (DOP) xuất sắc nhất
Ròm
Ròm là phim truyện được Trần Thanh Huy phát triển từ 16h30, phim ngắn từng đoạt giải Cánh Diều Vàng 2012 và được chiếu trong hạng mục Góc phim ngắn của LHP Cannes 2013. Trần Thanh Huy mất 8 năm ròng rã theo đuổi dự án đến ngày ra rạp.
Ròm khai thác chủ đề người lao động nghèo, đặc biệt các thiếu niên đường phố. Phim lấy bối cảnh một khu chung cư cũ đang chờ giải tỏa tại Sài Gòn, kể về cuộc sống của những người dân nơi đây. Họ đều chơi số đề với hi vọng kiếm được một khoản tiền lớn để đổi đời.
Ròm là tên nhân vật chính (Trần Anh Khoa đóng), cậu bé làm “cò đề” để kiếm sống qua ngày. Ròm chuyên tư vấn cho người dân những con số may mắn để họ có cơ may trúng đề. Tuy nhiên, Ròm phải cạnh tranh sống còn với Phúc, một tay cò đề giang hồ cùng khu. Có cuộc sống vất vả nhưng Ròm vẫn rất lạc quan. Cậu mong kiếm được nhiều tiền để đi tìm cha mẹ đã thất lạc.
Qua Ròm, đạo diễn Trần Thanh Huy truyền tải đến người xem một thế giới vừa xa lạ và vừa quen thuộc về tầng lớp lao động nghèo. Ròm là phim Việt đầu tiên đoạt giải phim đầu tay hay nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Busan, một trong những liên hoan phim lớn nhất châu Á.
Ròm dự kiến ra mắt tại các cụm rạp BHD và Cinestar từ ngày 31/7.