Sài Gòn, thành phố không ngủ.
Không ngủ buổi đêm thì làm gì? Bà mẹ ông bố nào mà chả lo lắng cho con gái của mình giữa chốn phồn hoa đô thị lỡ gặp phải mấy anh sõi đời thì cừu ơi, sói đây, sói ăn cừu nhé!
Nhưng mà trước khi ăn thì làm gì? Thì đi nhậu, hay lịch sự hơn là đi bar. Ấy thế là bar ở SG tự dưng mang cái tiếng oan làm cho con gái nhà lành người ta đâm ra hư hỏng. Ba mẹ đâu có biết (mà có thì cũng vẫn dặn dò thôi), bar ở SG đâu phải như vậy. Hư hỏng thì đâu mà chả hư hỏng được, đi làm đi thư viện đi ăn vỉa hè cũng hư hỏng được hết, tại mình thôi.
Nói tới bar dành cho dân công sở, không thể nhắc tới những ‘chiếc’ bar nho nhỏ nhưng chất lừ ở quận 1. Mà nói tới bar ở quận 1, không thể nói tới một làn sóng ngầm đã và đang len lỏi vào thành phố. Làn sóng ẩm thực Nhật Bản.
Nếu như sushi là một lợi thế của đất nước biển đảo có nguồn cá phong phú thì rượu whisky có thể nói là một kỳ tích của Nhật Bản. Năm 2015, Nhật Bản đã gây một cú sốc khi lần đầu tiên chiếm ngôi vị số 1 trong làng rượu vốn vẫn là niềm tự hào của dân Scotland. Chai Yamazaki Single Malt Sherry Cask 2013 đã đạt được 97.5/100 điểm trong năm đó. Và quan trọng nhất, cực kỳ quan trọng, Nhật Bản không trồng lúa mạch. Có nghĩa là, họ không có truyền thống làm rượu từ lúa mạch. Họ mới chỉ làm vài chục năm gần đây và ngay lập tức đã leo lên vị trí số 1, hơn cả những nơi có truyền thống lâu đời.
Tiếp sau đó, một cú sốc khác đối với dân Mỹ và châu Âu là ngày càng nhiều barista người Nhật được trọng dụng trong các nhà hàng Âu/Mỹ. Người ta vẫn hay nói rằng, Nhật (và có thể tính thêm Hàn Quốc) là cửa khẩu để diễn dịch văn hoá phương Tây (Mỹ đóng quân tại hai quốc gia này) sang ‘ngôn ngữ văn hoá’ của châu Á để dễ chấp nhận hơn (bạn có thể thấy bóng chày/bóng rổ rất nhiều trong các truyện tranh/phim Nhật Bản). Vậy mà, nay thì Nhật Bản lại là cái gốc để trình diễn văn hoá của phương Tây cho phương Tây xem.
Vậy thì liên quan gì tới Sài Gòn và những quán bar. Bởi, làn sóng ẩm thực Nhật Bản ở Sài Gòn giờ có thêm cả những quán bar theo âm hưởng Nhật Bản. Khắt khe thì sẽ nói ăn là ăn, uống là uống, nhưng thôi cứ tạm tính chung là một. Đứng đầu trong số ấy là Ryu Bar.
Ryu Bar nằm ngay ở giữa khu trung tâm nhất của quận 1, trên đường Đồng Khởi. Khi ánh mặt trời lùi dần để nhường chỗ cho ánh đèn neon rọi vào cuộc sống buổi đêm của những cư dân thành thị vào lúc 6 giờ tối, đó là lúc bạn bắt đầu có thể nhâm nhi một ly rượu ở Ryu Bar. Dương Tiến Đức, người đứng đằng sau mọi ý tưởng của Ryu Bar là một barista có khá nhiều giải thưởng. Anh đã từng học và làm việc cho một công ty Nhật Bản trước khi ra làm riêng. Chính bởi vậy, thực đơn của Ryu Bar có tên Dreamland cũng rất độc đáo, có sự hoà quyện của rượu Tây với những hương vị đặc trưng của châu Á như cà phê dừa, trà gạo lứt rang (genmaicha) của Nhật Bản …
Một không gian như vậy, chắc chắn sẽ là một không gian chiều chuộng những người có học thức. Làm sao ba mẹ lại từ chối cho con gái của mình giao lưu với những người như vậy sau một ngày làm việc căng thẳng? Bỏ mặc mọi mệt mỏi sau một ngày làm việc, chỉ cần nói với barista tại Ryu vị mà mình muốn uống (ví dụ một chút ngọt, xen lẫn một note thơm nhẹ mùi buổi chiều quê nhà em), chắc chắn bạn sẽ có một ly cocktail custom-made không thể chê vào đâu. Giá cả cũng rất hợp lý trong quận 1, chỉ có 375K/3 ly nếu mua qua Ticketbox. Đỉnk!
Nhưng nếu chỉ có 1 quán thì không thể gọi là một làn sóng đang dần len lỏi được. Vì vậy, phải nhắc tới một quán độc đáo thứ hai, đó chính là Yugen Bar. Yugen thậm chí còn không buồn kẻ cho mình bảng hiệu cho đẹp mắt và nổi bật nhưng bước vào trong quán thì thực sự là độc đáo. Đạt Nguyễn, người đứng đằng sau Yugen đã có một khoảng thời gian được tôi luyện cùng với barista nổi tiếng tại Nhật Bản cho biết anh muốn xây dựng Yugen như một nơi trú ẩn cho tất cả mọi người, đi đôi, đi lẻ, đi nhóm đều có thể lánh đời tại đây. ‘Lánh đời’ thường được người ta suy nghĩ với hàm ý tiêu cực nhưng thực ra ý nghĩa mà Yugen muốn mang lại tích cực hơn rất nhiều. Sống chậm lại, nhấp một hụm rượu nhỏ để hương thơm nhẹ lan lên mũi, vị cay cay thấm dần vào cổ. Nay đắng cay rồi mai sẽ ngọt bùi, phải không?
Bởi vậy, Yugen không cố gắng có nhiều khách. Tối đông nhất cũng chỉ tiếp 30 người. Và nếu cô gái của ba mẹ có lạc vào chốn này, chắc chắn cô sẽ được phục vụ những ly cocktail classic chuẩn mực nhất Sài Gòn. Một trong những lý do mà barista Nhật Bản đang xâm chiếm vị trí ở các quán bar tại Mỹ hay châu Âu là bởi họ mang tới cho người uống cảm giác của trà đạo – cảm giác trọn vẹn từ lúc bạn ngồi xuống, nói chuyện để biết bạn muốn uống gì, ngắm barista pha đồ cho mình và phiêu cùng ly cocktail cho tới khi ra về. Ngoài ra, Yugen cũng có những đồ uống rất phá cách, ví dụ như là Whistea (pha rượu với trà). Giá để thưởng thức ở Yugen mắc hơn xíu (250K đặt qua TIcketbox), nhưng tôi dám cá bạn chắc chắn sẽ hài lòng bởi điều bạn nhận được ở đó không chỉ đơn giản là một ly cocktail mà còn là cả một không gian để mình có thể sống chậm, để an yên sau giờ làm việc.
Vậy nếu ba mẹ có dặn dò vì lo lắng cho con gái của mình, một ngày nào đó hãy mời ba mẹ lên Sài Gòn để cùng nhâm nhi tại Ryu hay Yugen bạn nhé. Biết đâu ba sẽ nhớ lại quá khứ hào hùng ngày xưa của mình, còn mẹ thì nhớ về những năm tháng ngả cả ba xị rượu đế dưới gốc dừa với ba? Và hãy nhớ rằng bạn lâu lâu cũng phải ngủ nhưng Sài Gòn thì không ngủ. Vì vậy, xin đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá thành phố xinh đẹp này dưới nhiều lăng kính khác nhau, lại lành mạnh như hai quán bar ở trên. Đừng là zombie lăn từ nhà tới văn phòng, rồi lại từ văn phòng về nhà. Đó mới là điều ba mẹ sẽ lo hơn đó!