Khi Disney thâu tóm Lucasfilm và, theo đó, là bản quyền của thương hiệu Star Wars vào năm 2012, nhiều người đã cho rằng Nhà Chuột sẽ phát triển Vũ trụ Ngân hà xa thật xa theo công thức thành công của Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU). Thậm chí, vào giai đoạn ấy, cộng đồng yêu thích phim ảnh còn đón nhận nhiều tin đồn rằng Disney sẽ phát hành một bộ phim Star Wars mỗi năm, hay vũ trụ Star Wars sẽ được xây dựng dần qua sự kết hợp của hàng loạt các phần phim tiền truyện, hậu truyện và spin-offs.
Theo lời nhận xét của cây bút Adam Rogers từng cộng tác với tờ tạp chí WIRED vào 2015: “Nếu Disney xuôi chèo mát mái trong việc xây dựng Star Wars, đối với những ai đã theo sát Star Wars từ bộ phim đầu tiên, họ sẽ không bao giờ sống đủ lâu để thấy phần phim Star Wars cuối cùng. Đây sẽ là một thương hiệu vô tận”.
Nhưng, ở thời điểm hiện tại, Disney lại không có được sự thuận lợi như mong đợi. Mặc cho hãng đã gặt hái được những thành tựu đáng nể như thành công của phần trilogy hậu truyện mới (gồm The Force Awakens, The Last Jedi và The Rise of Skywalker), qua đó, định hình sự thống trị của thương hiệu trong nền văn hóa đại chúng. Bên cạnh đó, sau 4 bộ phim (liên quan đến Star Wars) đã nhanh chóng thu hồi được 4 tỷ USD vốn đầu tư trước đó.
Trong suốt 7 năm đổ lại, thương hiệu lâu đời nhất Hollywood không tránh được những bãi lầy rắc rối đến từ những vụ bê bối như sa thải đạo diễn hay môi trường làm việc độc hại. Bên cạnh đó, chất lượng phim đáng quan ngại như Rogue One là thành phẩm của quá trình quay lại vào phút chót, thành tích phòng vé tệ hại của Solo – phần phim buộc Lucasfilm phải nhìn nhận lại mong muốn của khán giả – cho đến phần phim The Last Jedi thổi bùng cuộc nội chiến trong cộng đồng văn hóa đại chúng.
Cho nên, không phải điều khó hiểu khi The Rise of Skywalker lại mang tầm vóc lịch sử đến vậy đối với cả Disney lẫn thương hiệu Star Wars. Suy cho cùng, bộ phim cũng kết lại tuyến truyện Skywalker saga – được coi là linh hồn của Star Wars và là nền tảng của bộ ba phần phim hậu truyện.
Điểm yếu chết người của thương hiệu
Có một giả thuyết giải thích cho sự thất bại của Solo và trả lời cho câu hỏi tại sao Star Wars không thể trở thành một MCU thứ 2. Nó được gọi là chứng “Ngộ độc Star Wars”. Chứng “bệnh” này chỉ ra rằng các bộ phim Star Wars, vốn cực kì hiếm hoi và là một thương hiệu điện ảnh đặc biệt đến mức nếu để nó trở thành đại trà thì sự màu nhiệm của phim cũng dần biến mất.
“Tôi nghĩ chúng tôi (Disney) đã phát hành quá nhiều bộ phim Star Wars trong một thời gian quá ngắn… Giờ tôi nghĩ có điều gì đó thật sự nhiệm màu về các bộ phim ấy, và càng ít phim thì càng hiệu quả (cho thương hiệu)”, CEO Bob Iger của Disney nhận xét.
Tuy nhiên, giả thuyết này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Ví như nhận định của Matthew Ball, người từng là trưởng bộ phận chiến lược tại studio Amazon, hiện là cộng tác viên cho trang web truyền thông Redef, tin rằng chứng “Ngộ độc Star Wars” chỉ là một câu chuyện cổ tích.
“Bất chấp sự thất bại của Solo, tôi nghĩ là không có bất cứ bô bốn phim liên tiếp nào có thể mang về lợi nhuận khổng lồ như Star Wars của Disney (chỉ The Force Awakens, The Last Jedi, Rogue One, Solo). Star Wars vẫn giữ được độ yêu mến, vẫn là một trong những thương hiệu điện ảnh toàn cầu, đa dạng hơn bao giờ hết. Chủ đề của phim được phổ cập mạnh mẽ và trường tồn…Không có lý do gì Star Wars không thể tung ra một phim điện ảnh và một chương trình truyền hình mỗi năm, trong khi Marvel có thể có 3 bộ phim điện ảnh hàng năm mà vẫn tiếp tục được cải thiện. Năm 2021 sắp tới, Marvel sẽ tiếp tục ra mắt 4 bộ phim và 2 series truyền hình nữa. Sự hiếm hoi đúng là cần thiết, nhưng bạn chỉ trở nên đặc biệt khi làm nhiều hơn nữa”, Matthew Ball nhận định.
Thay vì đổ lỗi cho sự chịu đựng của khán giả, Ball tin rằng vấn đề nằm ở việc hoạch định chiến lược yếu kém của Disney. Nói cách khác, vấn đề nằm ở vòng tuần hoàn sản xuất phim của hang. Chẳng hạn, Disney cam kết cho ra đời 6 bộ phim trong vòng 8 năm nhưng lại tuyển mộ và sa thải liên tục 4 đạo diễn không phù hợp với thương hiệu xuyên suốt 4 bộ phim.
Điển hình như việc thuê một Josh Trank còn non tay hay bộ đôi Phil Lord và Christopher Miller – bộ đôi đạo diễn với lối chỉ đạo ngẫu hứng không được lòng chủ tịch Lucasfilm Kathleen Kennedy và thiếu vắng tầm nhìn tập trung, sáng tạo bao quát như George Lucas từng mang đến cho thương hiệu.
“Tôi nghĩ một câu chuyện mới, được một cá nhân sáng tạo dẫn dắt, thêm một chút may mắn nữa là có thể thay đổi hướng đi của thương hiệu theo chiều tích cực hơn”, Ball nói.
Star War thời hậu Skywalker
Hiện tại, có vẻ như Disney đồng tình với những nhận định của Ball. CEO Iger gần đây đã thông báo rằng giai đoạn sản xuất phim Star Wars sẽ gián đoạn 3 năm sau khi The Rise of Skywalker công chiếu. Thay vào đó, hãng sẽ tập trung phát triển các series dành cho nền tảng Disney+ như The Mandalorian và series sắp tới xoay quanh nhân vật Obi-Wan Kenobi do Ewan McGregor thủ vai. Có lẽ, Disney đã nhận ra các spin-off phù hợp với màn ảnh nhỏ hơn là màn bạc.
Còn về việc thuê và sa thải đạo diễn trong nháy mắt, bộ đôi DB Weiss và David Benioff dứt áo ra đi vì kí hợp đồng với Netflix.
Tuy nhiên, đạo diễn Rian Johnson vẫn còn đảm đương một trilogy nữa. Kenvin Feige của Marvel vẫn đang phát triển một bộ phim Star Wars. Cả hai đều có tiềm năng trở thành thủ lĩnh sáng tạo hay một George Lucas thời hiện đại, mà Disney đang rất cần. Dù nhận thức được những lợi ích nếu hãng mở cánh cửa Star Wars với nhiều cá nhân khác nhau, Disney vẫn chưa trao cơ hội cho một đạo diễn không phải người da trắng và dự án của George Lucas từng thành công nhờ vào phần nhiều những sự cộng tác kiểu này.
Câu hỏi quan trọng nhất mà Disney phải trả lời trong thời điểm hiện tại là thương hiệu Star Wars sẽ kể tiếp câu chuyện nào trong giai đoạn hậu Skywalker. Kathleen Kennedy thừa nhận với tờ Rolling Stone vào tháng trước rằng đó sẽ là một việc vô cùng khó khăn.
“Có vô tận khả năng để lựa chọn. Đó là một công việc sáng tạo và thú vị và đồng thời cũng đem đến nhiều áp lực”. Kathleen nói. Theo dự đoán, một bộ phim Star Wars tiếp theo sẽ lấy thời điểm hoặc là hậu The Rise of Skywalker hoặc là một thời điểm nào đó trong quá khứ cổ xưa.
Trước đây, một sản phẩm thuộc thương hiệu Star Wars lấy mốc thời gian 4000 năm trước sự trỗi dậy của phe Đế Chế, theo sau đó là trận quyết chiến giữa Jedi và người Sith đã ra đời. Đó là dự án video game thu hút đông đảo người hâm mộ Knights of the Old Republic. Theo Buzzfeed, vào đầu năm nay, kịch bản cho một dự án điện ảnh dựa theo Knights of the Old Republic đang được Laeta Kalogridis, nhà biên kịch của Alita: Battle Angel chấp bút. Trong khi đó, những nguồn tin khác cho rằng trước khi từ bỏ dự án Star Wars, DB Weiss và David Benioff đã dự định chọn một cốt truyện khai thác khởi nguồn của các Jedi.
Về khía cạnh tương lai của một saga thời hậu The Rise of Skywalker, họ nói rằng điều đó phụ thuộc vào những gì sẽ xảy ra trong bộ phim. Cách tiếp cận rõ ràng nhất là xây dựng một “series dựa trên những sự kiện Rey dạy dỗ một thế hệ Jedi mới với baby Yoda (trong The Mandalorian)” – Jason Ward, người biên tập cho trang web Making Star Wars, nửa đùa nửa thật nhận định về hai nhân vật đã trở thành một phiên bản meme nổi nhất năm nay.
Dù khả năng này là có thể, mọi chuyện vẫn chưa thể chắc chắc được khi mà các diễn viên cốt cán Daisy Ripley (Rey), John Boyega (Finn) và Jason Isaac (Poe) đã khẳng định trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng họ không có ý định tiếp tục đồng hành với Star Wars. Chỉ riêng Boyega là có vẻ cởi mở với ý tưởng một cuộc hội ngộ giữa ba nhân vật trên trong một tương lai xa.
Hãy giết chết quá khứ
Suy cho cùng, những bước tiếp theo của Star Wars ít nhiều cũng phải nghe theo lời khuyên của nhân vật Kylo Ren trong The Last Jedi: “Hãy để quá khứ chết đi. Hãy giết nó, nếu cần.”
Ward nói thêm: “Tôi nghĩ tương lai của Star Wars sẽ rất thú vị khi chúng ta rời xa những nhân vật đã định hình thương hiệu. Đến một mức độ nào đó, có vẻ như ý tưởng sáng tạo một nhân vật mới mà người hâm mộ lẫn khán giả đại chúng có thể yêu thích, và chúng ta có thể dõi theo câu chuyện không gắn kết với tuyến truyện 42 tuổi của các nhân vật ấy”.
Cũng theo Ward: “Mọi thứ về Star Wars cho đến nay đều tập trung vào việc khám phá các giai đoạn của Star Wars. Trong khi đó, Lucasfilm vẫn chưa chứng tỏ họ có thể vừa rời xa chất liệu gốc của George Lucas vừa có thể duy trì một thế giới viễn tưởng của George Lucas mà không có các nhân vật và cảnh vật do ông ấy sáng tạo… Có chừng 7 hay 8 hành tinh giống với hành tinh cát Tatoonie xuất hiện trong một số cảnh. Họ sợ phải rời khỏi vùng quen thuộc và tôi muốn thấy họ làm điều ngược lại”.
Có hàng đống lý do thực tế và phũ phàng thôi thúc Disney và Lucasfilm phải đẩy câu chuyện Star Wars xa hơn những gì hiện có. Đến nay, thương hiệu 42 tuổi này vẫn chứng tỏ một sức hút trường tồn qua các thế hệ. “The Force Awakens và The Last Jedi không thể có thành tích tốt đến vậy nếu không đem đến một màn thể hiện thực lực cho các khán giả đa dạng lứa tuổi” – Ball nhận định. Nhưng sự thật là các thế hệ đã lớn lên với cảm giác hoài niệm về original trilogy và prequel trilogy đến một ngày nào đó cũng rời bỏ thế giới này. Nghĩa là để đảm bảo một tương lai cho thương hiệu ngân hà xa thật xa, Disney phải thiết lập một Star Wars mới cho một thế hệ mới, tức một thị trường mới.
Ball giải thích: “Mặc dù Star Wars là thương hiệu điện ảnh lớn thứ 2 mọi thời đại và được biết đến trên phạm vi toàn cầu, nó lại chỉ gây ấn tượng với khán giả có độ tuổi từ 40 trở lên và có sức hút khá yếu ngoài khu vưc Hoa Kỳ. Lấy Trung Quốc, đất nước đã chiếm đến ¼ thị trường phòng vé toàn cầu, làm ví dụ. Original trilogy chưa từng đươc công chiếu tại nơi đây, và khi Prequel trilogy được công chiếu, thị trường Trung Quốc khi đó chỉ bằng 1/15 so với bây giờ. Kết quả, bộ phim Star Wars thực sự đến được đất nước tỷ dân là phần phim thứ 7 của tuyến truyện Skywalker Saga – đến lúc này, các gương mặt cốt cán làm nên thương hiệu hoặc là đã chết trong phim hoặc là qua đời ở thế giới thật”.
“Hơn nữa, tất cả 11 phim đươc công chiếu cho đến nay đều cần đến sự quen thuộc với tuyến tuyện trung tâm của thương hiệu – cần nhiều đến mức vượt xa những hiểu biết về sự liên kết giữa các phim Marvel vốn dĩ đã có sẵn sự lỏng lẻo. Hãy nhớ rằng Marvel chỉ có tuổi đời dưới 12 năm. Còn 1977 (năm Star Wars khai sinh) đã là một quá khứ xa xăm”. – Ball bổ sung.
2019 cũng sẽ một ngày là một quá khứ lùi xa. Ai biết được, có lẽ vào 2061, ai đó sẽ viết một bài báo về việc Star Wars đã phát triển vượt qua thời đại của Rey, Finn và Poe như thế nào. Có thể Mark Hamill sẽ trở lại Star Wars nhờ sự giúp đỡ của công nghệ trẻ hóa, hoặc một nữ đạo diễn sẽ chỉ đạo một phần phim Star Wars, hoặc hai nhân vật thuộc cộng đồng LGBT+ sẽ gặp nhau lần đầu trong một khu canteen đông đúc nào đó. Hoặc, đến lúc ấy, Star Wars đã ngủ yên mãi mãi.