Giới thiệu

Hài kịch luôn là món đặc sản quen thuộc của sân khấu Idecaf. Mặc dù đã có những vở diễn chính kịch thành công như “Bí mật vườn Lệ Chi” “Ngàn năm tình sử”… nhưng nhớ đến Idecaf, người ta vẫn nhớ đến những vở hài kịch nhẹ nhàng, thấm đẫm tình người, đầy ắp tiếng cười nhưng vẫn có lúc làm người ta sụt sùi, chảy nước mắt. “Cưới vợ cho ai” là một vở diễn như vậy. 

Kịch bản “Cưới vợ cho ai” xoáy sâu vào đời sống của những người dân Nam bộ thật thà, chân chất. Họ không giàu về tiền bạc, nhưng lại dư thừa nghĩa tình trao nhau. Câu chuyện xoay quanh ông Sáu (Hữu Châu), với quán nước nhỏ bên dòng sông ngày ngày là nơi gặp gỡ của những người dân lao động nghèo trong làng. Những người đó, mỗi người một hoàn cảnh khắc họa nên bức tranh sống động về cuộc mưu sinh của con người. Như Xuyến (Hương Giang), cô gái bán vé số thích trang điểm lòe loẹt, mang nỗi đau bị chồng ruồng bỏ, đẻ con ra rồi phải bỏ đi, không dám nhìn. Như ông Bất (Thái Quốc), mang căn bệnh sĩ, không muốn thua bất cứ ai, hả hê với danh xưng “nhất Việt Nam”, nhưng đằng sau là câu chuyện cô vợ trẻ ngoại tình. Hay như đôi trai gái Tư Hổ (Đình Toàn) và Khế (Lê Khánh), yêu nhau và cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, cuộc sống làng quê được khuấy động bởi Tám Tèo (Đại Nghĩa) anh thợ may nổi tiếng nhiều chuyện, thích nghe đằng này nói lại đằng kia, gây nên bao sóng gió ở làng quê nghèo.

Chuyện xảy ra, khi ông Sáu nhận ra đứa con trai, đang học trên thành phố, là Phong (Đức Thịnh) vẫn chưa có vợ dù đã lớn. Ông Sáu thúc giục, tìm đủ mọi cách, thậm chí nhờ đến tài mai mối của bà Hai Hành (Phi Phụng), nhưng gặp cô nào, Phong cũng tìm cách thoái thác, khiến tình cảm của ông Sáu, bà Hai cũng ảnh hưởng. Nào ngờ, làm mai cho ông con chưa được thì ông cha đã kết “mô-đen” bà mai, quyết định làm cái đám cưới cho vui cửa vui nhà. Phong từ thành phố về biết chuyện, ra sức can ngăn cha, khiến bà Hai bỏ đi biệt tích, còn ông Sáu cũng vùi đầu vào rượu bia tìm quên. Cho đến khi, ông Sáu vô tình biết được con trai mình đang sống cùng một cô gái nhảy đã bỏ nghề (Xuân Lan) trên thành phố, thì đùng đùng nổi giận, quyết định cùng Tám Tèo lên thành phố tìm con, hỏi cho ra lẽ.

 

Câu chuyện như thế, qua bàn tay đạo diễn của Tuấn Khôi (cũng là một diễn viên của Idecaf), cùng khả năng diễn xuất ăn ý của các diễn viên, đã mang đến cho khán giả ba giờ đồng hồ đấy ắp tiếng cười cùng những khoảng lặng.

Vai diễn trung tâm của “Cưới vợ cho ai” là ông Hai của Hữu Châu. Những vai nông dân, người nhà quê chân chất, hiền lành, sống nghĩa tình nhưng khi cần cũng có thể lên gân dữ dội, không còn quá mới lạ với Hữu Châu. Những vai diễn như vậy, khán giả đã có thể thấy ở các vở diễn khác như “Lẩu trăn”, “Con Tám, con Cấm”… Lần hóa thân này Hữu Châu cũng mang đến sự hài lòng cho người xem.

Ở ông Sáu hiển hiện rõ hai nét tính cách đan xen. Lúc là người cha trong cảnh gà trống nuôi con mấy chục năm trời, chỉ mong cho nó có được một gia đình nhỏ, công việc ổn định là đã vui lòng. Liên lạc của hai cha con chỉ vỏn vẹn thông qua cái điện thoại bàn, mà có lần, thằng con nghe ông nói chưa hết câu cũng đã cúp máy. Nét trăn trở, lo âu của người cha hiện rõ trên gương mặt Hữu Châu ở mỗi cái nhíu mày, mỗi bước đi, tiếng nói, không ít người xem phải rùng mình, nhận ra sao mà cái người đứng trên sâu khấu đó, thương quen quá, giống cha mình quá. Nhưng cũng có lúc, ông Sáu lại bối rối, ngại ngùng trước tình cảm mộc mạc của mình và bà mai Hai Hành. Đến khi chuyện tình duyên lỡ dở do con trai, ông Sáu say mèm, gặp lại người thương mà cũng dặn lòng phải đứng xa xa, người xem thấy được sự vụng dại, trẻ trung của ông Sáu hiển hiện rõ rệt. Đặc biệt trong lớp diễn tái hiện lại một phần trích đoạn “Nửa đời hương phấn”, ông Sáu của Hữu Châu thật sự làm cho mọi người hài lòng, hả dạ.

 

Một vai diễn khác, được đặt vào vị trí gây cười chính cho vở diễn là Tám Tèo của Đại Nghĩa. Tám Tèo là một vai diễn thuần chất hài với tính cách nhiều chuyện (cứ đi đầu làng cuối xóm nghe ngóng chuyện thiên hạ để rồi đơm đặt, thêm thắt, nói lại chỗ này chỗ kia cho thêm phần kịch tính, hấp dẫn). Chính Tám Tèo cũng tự nhận mình có sở thích nhiều chuyện và ghét nhất phải ba mặt một lời. Nhiều chuyện đến mức bị vợ bỏ, Tám Tèo bơ vơ, cùng ông Sáu uống rượu quên sầu, quyết tâm làm việc tốt để thể hiện sự ăn năn, hối hận. Vai của Đại Nghĩa trong “Cưới vợ cho ai” được xem như vừa đủ để làm khán giả chảy nước mắt vì cười.

Ở nhóm những vai nữ, đáng nhớ nhất là Mười Xuyến của Hương Giang. Xuất hiện lập tức làm người ta bật cười với gương mặt trang điểm lòe loẹt, Xuyến chọc cười bằng những mảng miếng phối hợp ăn ý cùng ông Bất khi uống rượu, khi nói chuyện, khi thổ lộ tâm tình với nhau. Cho đến khi, Mười Xuyến ngồi kể chuyện xưa trong cơn nửa tỉnh nửa say, vừa nhớ chồng, nhớ con mà cười, cười chảy nước mắt, làm người xem cũng ngậm ngùi theo, thương cho một phận đàn bà lưu lạc. Thành công với một vai diễn vừa làm người ta khóc, vừa làm người ta cười, đó là một thành công lớn của Hương Giang.

 

Lê Khánh trong vở kịch này hóa thân thành Lê Thị Khế, cô gái mù, vừa hát rong vừa kiếm miếng ăn. Lối diễn tỉnh, diễn như không diễn tiếp tục được Lê Khánh áp dụng và thành công, đặc biệt ở những màn cao trào như khi Khế hát karaoke, bảo đảm khiến khán giả có được những tràng cười té ghế.

Những vai diễn khác của Đức Thịnh, Phi Phụng, Mai Phượng, Thanh Vân đều tròn trịa. Duy chỉ có vai vũ nữ của Xuân Lan, khi Mỹ Duyên diễn thế (trong thời gian Xuân Lan bận việc riêng) thì chưa phù hợp lắm do chiều cao của Mỹ Duyên hạn chế, không “ăn khớp” được với một số câu thoại.

Tóm lại, “Cưới vợ cho ai” là một vở kịch đáng coi của sân khấu Idecaf. Bên cạnh những tiếng cười đầy ắp do dàn diễn viên tài năng mang đến, vẫn có những khoảng lặng trầm, cần thiết để người coi có lúc nhìn lại bản thân mình, trăn trở cho những kiếp người trong vòng mưu sinh.

Bài: Chú Hề

 

Thông tin vé

Hạng VIP (Không dành cho trẻ dưới 12 tuổi)

270.000 VND
Vé ngừng bán online

Giá vé đã bao gồm phí dịch vụ

Hạng Regular (Không dành cho trẻ dưới 12 tuổi)

220.000 VND
Vé ngừng bán online

Giá vé đã bao gồm phí dịch vụ

Nhà tổ chức

Sân khấu kịch Idecaf

Sân khấu kịch Idecaf ra đời vào tháng 09.1997 với vở "Khoảng khắc tình yêu" đã nhanh chóng gây tiếng vang bởi chất lượng nghệ thuật, nội dung kịch bản sâu sắc, dàn diễn viên nổi tiếng và quan trọng nhất là thái độ phục vụ, tôn trọng khán giả của nhân viên phục vụ lẫn diễn viên của vở. Chỉ sau một thời gian ra mắt, sân khấu Idecaf trở thành một địa chỉ quen thụôc của khán giả mê kịch.

Sau 20 năm hoạt động (tính đến hết tháng 12.2016), Idecaf đã dàn dựng hơn 100 vở kịch dành cho người lớn, 30 vở kịch rối thiếu nhi, 29 chương trình ca múa nhạc kịch thiếu nhi "Ngày xửa... ngày xưa" và phối hợp với với Đài truyền hình TP.HCM dàn dựng chương trình "Chuyện ngày xưa". Hơn 20 năm hoạt động, Idecaf đã đạt 5.000 suất diễn quả là một con số không nhỏ khi tình hình sân khấu nói chung đang trong tình trạng kén chọn khán giả.

Liên hệ nhà tổ chức